Doanh nghiệp Quân chủng Phòng không-Không quân với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội

          An sinh xã hội là một hệ thống bao gồm các cơ chế, chính sách, biện pháp của Nhà nước và xã hội nhằm trợ giúp các đối tượng chính sách trong xã hội để họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống do gặp phải những rủi ro như: Bị ốm đau, thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, già cả không còn sức lao động hoặc vì những nguyên nhân khách quan làm cho họ không có khả năng lao động, có nguy cơ bị suy giảm mất nguồn thu nhập rơi vào cảnh đói, nghèo.

          An sinh xã hội là một phạm trù rộng, vì vậy việc tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội của các doanh nghiệp cũng bao gồm nhiều nội dung khác nhau như: Thực hiện chính sách xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thực hiện chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động và đối tượng chính sách; thực hiện cứu trợ xã hội và thực hiện các chính sách cho cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động và đối tượng chính sách...

        Tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội của doanh nghiệp là sự nhận thức, cam kết của các chủ thể doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa các chính sách an sinh xã hội phù hợp với phạm vi, năng lực, quyền hạn của các doanh nghiệp trên cơ sở nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông qua những việc làm thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên trong gia đình họ; cho cộng đồng và xã hội góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người lao động và nhân dân địa phương nơi đứng chân.

 

Doanh nghiệp Quân chủng Phòng không-Không quân với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội
Lãnh đạo, chỉ huy Công ty cổ phần  ACC-244 kiểm tra công tác thi công tại công trường.

          Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân đã bảo đảm tốt lợi ích chung cho cộng đồng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động; góp phần làm thay đổi cách thức thực hiện và cấu trúc an sinh xã hội Việt Nam và chia sẻ gánh nặng với Nhà nước trong bối cảnh hiện nay. 100% cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng và người lao động ở các doanh nghiệp Quân chủng được mua bảo hiểm y tế; công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo định xuất, phân cấp khám chữa bệnh và thanh toán, quyết toán kinh phí bảo hiểm y tế, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chuyển viện... có nhiều chuyển biến tích cực. Các đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thực hiện chi trả đúng, đủ, kịp thời chế độ chính sách cho đối tượng chính sách xã hội, đạt 100%. Các doanh nghiệp đã rà soát xác nhận thêm 19 đối tượng (đã nghỉ hưu, chuyển ngành) mặc dù không còn đủ giấy tờ song trên thực tế là đủ tiêu chuẩn được hưởng chế độ chính sách đối với người có công. Đồng thời, đề nghị giải quyết chế độ cho người có công và thân nhân của 59 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam được hưởng trợ cấp hằng tháng; 86 người tham gia kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương được lĩnh trợ cấp một lần; 579 lượt người được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, trong đó điều dưỡng tập trung là 316 lượt người, điều dưỡng tại nhà là 263 người; 79 đối tượng được chi trả tiền trang cấp dụng cụ chỉnh hình; 68 người là con của người có công được hưởng trợ cấp ưu đãi trong giáo dục - đào tạo; 45 lượt người là con của người có công theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được chi trả tiền hỗ trợ miễn giảm học phí; 19 người là thân nhân của thương bệnh binh có tỉ lệ thương tật và mất sức lao động từ 61% trở lên (đã từ trần) được hỗ trợ hàng tháng; 5 người là thân nhân liệt sĩ và vợ liệt sĩ tái giá được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; 118 người được lĩnh trợ cấp một lần tiền thờ cúng liệt sĩ và 213 người được nhận tiền mai táng phí và 3 tháng trợ cấp của người có công từ trần...

           Các doanh nghiệp trong Quân chủng đã thực hiện chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các hộ chính sách vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; tham gia tích cực với một số địa phương thực hiện xóa đói, giảm nghèo cho các đối tượng chính sách... 5 năm qua, các doanh nghiệp trong Quân chủng đã huy động cho các đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất với tổng số 36 tỉ đồng, 100% các đối tượng chính sách có nhu cầu đều được vay vốn với lãi suất ưu đãi; tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn từ 1-3 tháng về các lĩnh vực xây dựng, may, điện tử, tiểu thủ công nghiệp, giúp lao động thuộc đối tượng chính sách; hỗ trợ lao động đã qua đào tạo nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp; tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp tăng bình quân mỗi năm 3,6%, giải quyết việc làm hằng năm cho hàng ngàn lao động. Từ năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp đã hỗ trợ dạy nghề cho 12.910 lao động ở các địa phương, trong đó có trên 1.000 lao động thuộc hộ chính sách, kinh phí thực hiện trên 12 tỉ đồng; giải quyết việc làm mới trên 35.000 lao động.

           Hằng năm, các doanh nghiệp trong Quân chủng đã tiến hành triển khai việc xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và giao chỉ tiêu phấn đấu cho các bộ phận, cơ quan, đơn vị. Từ năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp đã thu được trên 50 tỉ đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cùng với sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng và người lao động và sự ủng hộ của các cơ quan đơn vị đã được sử dụng để xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, xóa nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng, xóa nhà tạm bợ cho đối tượng chính sách, tặng sổ tiết kiệm, tặng quà cho người có công nhân các ngày lễ, tết hàng năm và trợ cấp cho các đối tượng gặp khó khăn đột xuất.

         Năm năm qua, các doanh nghiệp thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân đã trợ cấp cho trên 1.730 lượt học sinh, sinh viên với kinh phí trên 9 tỉ đồng; cấp sổ ưu đãi học sinh, sinh viên cho 60 trường hợp, chi phí học tập cho 1.400 lượt với kinh phí 750 triệu đồng. Các chế độ chính sách hỗ trợ kinh phí giúp thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng mộ liệt sĩ ở các tỉnh thành trong cả nước; tặng 150 sổ tiết kiệm cho người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trị giá mỗi sổ 2 triệu đồng. Hằng năm, nhân dịp lễ, tết, 27/7... các doanh nghiệp Quân chủng đã tích cực thăm và tặng quà trên 4.000 đối tượng chính sách của các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh với kinh phí là trên 10 tỉ đồng; thăm hỏi và tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu của các doanh nghiệp, các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, có trên 300 lượt học sinh được hỗ trợ với tổng kinh phí hỗ trợ trên 2 tỉ đồng. Trong 5 năm qua, đã hỗ trợ cho trên 1.730 lượt người, với số tiền gần 10 tỉ đồng để miễn hỗ trợ chi phí học tập, trợ cấp học bổng và hỗ trợ tiền ăn cho học sinh các gia đình chính sách của các doanh nghiệp...

         Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội ở các doanh nghiệp trong Quân chủng Phòng không-Không quân thời gian qua vẫn còn một số tồn tại đó là: Nhận thức của một số bộ phận các chủ thể doanh nghiệp về thực hiện các chính sách an sinh xã hội còn hạn chế; nhận thức chưa đúng về sự khác biệt giữa bảo hiểm xã hội cho đối tượng chính sách và bảo hiểm xã hội khu vực hành chính, sự nghiệp và khu vực thị trường (doanh nghiệp). Vấn đề xây dựng và phát triển quỹ bảo hiểm xã hội chưa được vững chắc. Một số đối tượng được hưởng chế độ chính sách xã hội song thực tế mức độ cống hiến chưa tương ứng. Công tác chi trả bảo hiểm xã hội, có tháng, có doanh nghiệp còn chậm do được tiến hành qua nhiều khâu, nấc trung gian. Việc khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế có thời điểm chưa tốt. Hệ thống cơ chế chính sách phục vụ cho đào tạo nghề và tạo việc làm còn thiếu, chưa đồng bộ; chưa khuyến khích phát triển thị trường lao động như chính sách tiền lương, tiền công; chưa có chính sách thỏa đáng trọng dụng nhân tài; chưa thiết lập được cơ chế đối thoại, thương lượng và thỏa thuận giữa các bên về quan hệ lao động; thực hiện các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, phần lớn mới tập trung vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; việc đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn ít, hiệu quả chưa cao; chưa phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường (cung cấp dịch vụ công)...

         Để thực hiện có hiệu quả, thiết thực chính sách an sinh xã hội, các doanh nghiệp Quân chủng  không - Không quân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tạo sự đồng thuận của các chủ thể, lực lượng về thực hiện chính sách an sinh xã hội. Để phát huy sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội của doanh nghiệp Quân chủng Phòng không - Không quân cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tạo sự đồng thuận cao của các chủ thể, lực lượng, coi đó là tình cảm, trách nhiệm, đạo lý của mỗi người, mỗi tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp. Tăng cường các mối quan hệ phối hợp, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Phát huy hơn nữa tính chủ động, tích cực, tự giác của các cơ quan, đơn vị trong từng doanh nghiệp; không ngừng hoàn thiện phương thức phối hợp các lực lượng và tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội. Chủ động, linh hoạt động viên và kết hợp các nguồn lực, xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức, phương thức tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi doanh nghiệp, địa phương nơi doanh nghiệp đứng chân.

Phải làm cho mọi tổ chức, cá nhân người lao động nhận thức tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội của doanh nghiệp thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân có vai trò quan trọng, góp phần to lớn vào xây dựng con người, xây dựng tổ chức quân đội vững mạnh. Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ tại ngũ và gia đình quân nhân là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần giáo dục, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước, chủ nghĩa nhân văn; xây dựng niềm tin, phẩm chất, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”, "Người chiến sĩ PK-KQ ưu tú" bảo đảm cho Quân chủng không ngừng trưởng thành, vững mạnh về mọi mặt, thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, thực hiện tốt công tác dân vận, “đi dân nhớ, ở dân thương”, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hai là, tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, bất cập, hạn chế; những vấn đề thuộc chính sách do lịch sử để lại. Đây là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân trong việc tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội hiện nay. Theo đó, cần tập trung vào khắc phục hậu quả tồn đọng của các cuộc chiến tranh, chế độ, chính sách đối với những người tham gia kháng chiến nhằm đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội, đồng thời tiếp tục tôn vinh những người có nhiều công lao, cống hiến cho cách mạng, góp phần giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng trong tình hình mới. Đồng thời, phát huy trách nhiệm của hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân trong các doanh nghiệp có liên quan, đề ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả; phát huy hơn nữa vai trò của các lực lượng; huy động nhân lực, vật lực, tài lực cho giải quyết, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như: Vấn đề mộ liệt sĩ, vấn đề chất độc da cam/dioxin, đặc biệt là những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của đối tượng chính sách trong phạm vi của doanh nghiệp, không để tích tụ bức xúc kéo dài; giải quyết nhanh, gọn, khắc phục những sai sót, khuyết điểm trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội.

Ba là, đổi mới cơ chế, cải tiến cách thức tổ chức, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Định hình và vận hành có hiệu quả cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chính sách an sinh xã hội, trọng tâm là mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tham mưu, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, giữa các đơn vị cơ sở của doanh nghiệp với địa phương; phân định rõ vai trò chủ trì và phối hợp trong nghiên cứu hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách. Phát huy cao trách nhiệm chính trị, khơi dậy tính nhân văn xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hài hòa các lợi ích vật chất, tinh thần, động viên các lực lượng, các tổ chức, cá nhân trong doanh nghiệp tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội. Mở rộng và nâng cao chất lượng hiện thực hóa các phong trào, chương trình tình nghĩa, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; phát hiện, xây dựng và phổ biến những điển hình mới, cá nhân làm tốt chính sách an sinh xã hội. Kết hợp với các tổ chức, lực lượng chuyên trách phát triển mạnh mẽ hơn các thiết chế bảo đảm thực hiện chính sách hậu phương quân đội (các cơ sở dạy nghề, giải quyết việc làm; cơ sở chăm sóc người có công; cơ sở điều dưỡng...).

Từng bước hình thành và nâng cao chất lượng các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ và dịch vụ xã hội về chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục động viên các đối tượng chính sách nỗ lực vươn lên, chủ động khắc phục đói nghèo, vượt lên hoàn cảnh, làm giàu cho mình và cho đất nước. Các doanh nghiệp phải làm tốt nhiệm vụ tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội được phân công; phối hợp thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội ở địa phương nơi đóng quân, coi đó là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần thực hiện xã hội hóa chính sách hậu phương Quân đội.

Bốn là, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội có quan hệ đến quốc phòng, an ninh và hậu phương Quân đội. Quan tâm triển khai đồng bộ và phối hợp thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội (bảo đảm xã hội, cứu trợ, bảo trợ...) nhằm bảo đảm an sinh xã hội, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, địa phương nơi các đơn vị doanh nghiệp đóng quân. Phối hợp trong thực hiện tốt các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, căn cứ địa, hậu phương chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Tập trung xóa nhà tạm, dột nát, ổn định sản xuất và đời sống, không để gia đình chính sách rơi vào diện nghèo đói, thiếu sự quan tâm chăm sóc. Nâng cáo chất lượng các hoạt động dịch vụ xã hội có tính phúc lợi cho gia đình quân nhân và đối tượng chính sách hậu phương Quân đội. Đổi mới và hoàn thiện các chế độ, chính sách chăm sóc vật chất, tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ tại ngũ, người lao động tại các doanh nghiệp. Bảo đảm tốt hơn điều kiện sinh hoạt, tăng dần thu nhập từ tiền lương để người hưởng lương trong quân đội có thêm điều kiện tích lũy, hỗ trợ, chăm sóc gia đình...

          Công tác bảo đảm an sinh xã hội là một nội dung trong quá trình tái sản xuất xã hội; bảo đảm an sinh xã hội có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Đây là một trong những nội dung quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đặc biệt quan tâm. Với sự nỗ lực phấn đấu, phát huy nội lực của chính mình kết hợp với sự đầu tư, giúp đỡ của Nhà nước nên việc tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội của các doanh nghiệp thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân thời gian qua đã đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng, đáng khích lệ. Những kết quả đó đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đối tượng chính sách trong phạm vi đảm nhiệm của các doanh nghiệp, tạo ra những tiền đề, điều kiện mới để phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.

Video - phóng sự