Sửa chữa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất có kịp bay Tết?

Đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Nhà thầu chuẩn bị cốt thép để rải bê tông trên đường băng 1B sân bay Nội Bài

Thi công cuốn chiếu, 3 ca liên tục

Sáng 22/9, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại công trường Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh (CHC) 1A và 1B; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các đường lăn nối; xây dựng các công trình phục vụ bay… tại Nội Bài, 3 nhà thầu ACC, Vinadic và Trường Sơn đang nỗ lực tối đa để hoàn thành phần xây dựng.

Trước đó, thị sát công trình đường băng Nội Bài, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là công trình cấp bách, cần thiết phải họp, thậm chí cầm tay chỉ việc. Nếu chậm sẽ ảnh hưởng đến việc phục vụ cao điểm Tết. Bộ trưởng cũng yêu cầu đến ngày 30/11 phải hoàn thành việc thi công để có thời gian hiệu chỉnh, chuẩn bị vận hành trước khi đưa vào khai thác chính thức. Đây là công trình khẩn cấp, phải tính theo giờ, theo ngày, tuyệt đối không thể chậm.

Ban ngày, công nhân tập trung lắp dựng cốt thép, cốt pha để thi công ban đêm. Các nhà thầu huy động hàng nghìn cán bộ, công nhân chia thành 3 ca thi công liên tục. Khoảng 200 đầu xe máy, thiết bị cũng được tập trung tại công
 
 
 
trường.

Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc QLDA Nội Bài cho biết: “Đến hết ngày 21/9, đối với đường CHC 1B, các nhà thầu đã thi công được 313/630 vệt, tương đương hơn 33,8 nghìn khối bê tông. Cùng đó, các nhà thầu sẽ triển khai các mũi thi công lề vật liệu và thi công hệ thống thoát nước. Để đẩy nhanh tiến độ, kiến nghị Bộ GTVT sớm chấp thuận giao thầu các gói còn lại, đặc biệt là các gói cung cấp và lắp đặt thiết bị”.

Trong khi đó, tại dự án nâng cấp đường CHC 25R sân bay Tân Sơn Nhất, toàn bộ đường băng dài gần 3km đã được các nhà thầu chia ra từng vệt đoạn để thi công cuốn chiếu. Riêng phần thi công bê tông xi măng, TCT Xây dựng công trình hàng không ACC đã hoàn thành 140/152 vệt, đạt 92,1% khối lượng; Tập đoàn Cienco 4 đã thi công được 152/167 vệt, đạt 91%; Công ty 647 thi công 64/88 vệt, đạt 72,7%.

Theo kế hoạch ban đầu, hạng mục bê tông xi măng phải đến 20/11 mới hoàn thành, tuy nhiên các nhà thầu đã quyết tâm hoàn thành trước 30/10. Song song với đó, hiện nhà thầu đã bắt tay thi công các đường lăn.

Huy động nhân sự giỏi, tận dụng thiết bị

Thi công thảm bê tông xi măng đường cất/hạ cánh 25R sân bay Tân Sơn Nhất

Theo ghi nhận tại công trường dự án nâng cấp đường CHC 25R sân bay Tân Sơn Nhất, tranh thủ thời tiết tốt, chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu tăng gấp đôi các mũi thi công.

Chẳng hạn, theo hợp đồng các nhà thầu chỉ bố trí 6 mũi thi công, nhưng chủ đầu tư yêu cầu tăng lên 12 mũi. Nhà thầu nào có dấu hiệu chậm tiến độ, nếu không có phương án khắc phục sẽ điều chuyển khối lượng cho nhà thầu khác làm bù ngay.

Chủ đầu tư tăng lực lượng để thay ca nhau xử lý kịp những vấn đề phát sinh và bố trí một lực lượng giám sát riêng về vấn đề an toàn, phối hợp với Cục Hàng không, CHK Tân Sơn Nhất để xử lý kịp thời. Tư vấn giám sát cũng được yêu cầu tăng nhân sự để giám sát 3 ca.

Thượng tá Nguyễn Mai Đô, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC cho biết, ngay từ khi triển khai dự án nâng cấp đường CHC 25R sân bay Tân Sơn Nhất, ACC đã chọn những nhân sự “tinh nhuệ” đưa vào công trường. Với vai trò đứng đầu Liên danh, ACC đã xây dựng biện pháp thi công để cả 3 nhà thầu cùng thực hiện. Vì đặc thù thi công trong điều kiện vừa khai thác, nhà thầu đã thiết lập một hàng rào B40 tách 2 đường băng 25R và 25L.

“Tại dự án ở Nội Bài, ngay cả đường công vụ, chúng tôi cũng cho đổ bê tông để khi xe chuyển vật liệu đi vào sẽ không bị bẩn và khi vào đường lăn đang khai thác cũng hạn chế để lại cát đá, ảnh hưởng đến hoạt động bay”, ông Đô tiết lộ.

Cho biết đã huy động những nhân sự có kinh nghiệm nhất trong việc thi công các dự án sửa chữa đường lăn, sân đỗ trước đây để tham gia dự án tại Tân Sơn Nhất, theo ông Nguyễn Phương Vinh, Phó TGĐ Tập đoàn Cienco 4, lúc đầu đơn vị chỉ xây dựng phương án thi công với 2 mũi, nhưng sau đó tăng lên 5 mũi để đẩy nhanh tiến độ. Ngoài lực lượng đã lên kế hoạch sẵn, đưa vào phục vụ dự án, Cienco 4 còn có một lực lượng dự phòng thường trực.

“Ngay khi có yêu cầu tăng thêm các mũi thi công, Tập đoàn đã cấp tốc mua vé máy bay cho công nhân từ Nghệ An vào tăng cường”, ông Vinh nói.

Trong khi đó, ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc TCT Cửu Long cho biết, đã cử một Phó TGĐ trực tiếp chuyên trách dự án, tạm thời không theo dõi các dự án khác. Hàng ngày báo cáo tiến độ, nếu có vấn đề gì tồn tại là xử lý ngay.

Ông Thi cũng cho biết, kế hoạch tổng thể là đến 30/10 sẽ hoàn thành cơ bản phần thảm bê tông đường CHC. Thời gian từ đó đến 31/12 là công tác hoàn thiện, bay hiệu chỉnh, để kịp thời đưa đường băng vào khai thác phục vụ cao điểm Tết 2021.

Đề cập dự án tại Nội Bài, Phó tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV) Đỗ Tất Bình khẳng định, phần hạ tầng bê tông có thể hoàn thành đảm bảo tiến độ, nhưng đường băng muốn khai thác được phải có hệ thống đèn, biển báo hiệu.

“Theo quy trình sẽ phải tổ chức đấu thầu. Nếu tính hết các bước mời thầu, xét thầu, chọn đơn vị ký hợp đồng sẽ mất khoảng 3 tháng. Trong trường hợp chỉ định thầu, thời gian này sẽ rút gọn, chỉ còn khoảng 1 tháng. Sau khi ký hợp đồng, phải 5 - 6 tháng sau hàng mới về đến nơi và sẽ cần 1 tháng cho quy trình lắp đặt”, ông Bình cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Bình, ngay cả khi xong phần đèn hiệu vẫn cần phải thuê đối tác nước ngoài để bay hiệu chuẩn trước khi đưa vào khai thác. “Để có thể bay hiệu chuẩn, thủ tục cũng phải mất cả tháng. Nếu cần, có thể làm song song bước này ngay từ khâu lắp đặt đèn, thậm chí từ trước đó để tiết kiệm thời gian”, ông Bình nói.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Nguyễn Bách Tùng cho biết, để tháo gỡ điểm găng về biển báo và đèn hiệu hàng không, đang phải chia hạng mục này làm 2 phần.

“Về lâu dài, chúng tôi sẽ đầu tư đảm bảo đúng như báo cáo khả thi và thiết kế được duyệt. Tuy nhiên, phải tháng 4 - 5/2021 những thiết bị này mới có thể về được. Trước mắt, để phục vụ cao điểm Tết, sẽ tận dụng đèn đã tháo ra trong thời gian vừa qua”, ông Tùng thông tin.

Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không chia sẻ, thiết bị cũ đã lắp và khai thác tại các đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất cả chục năm. Do đó, khi tháo ra và lắp lại, quan trọng nhất là phải đánh giá xem thiết bị này có đủ điều kiện để tái sử dụng hay không và khai thác thêm được bao lâu?

Dự án cải tạo, nâng cấp đường CHC 1A và 1B; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các đường lăn nối; xây dựng các công trình phục vụ bay, đèn tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ tại Nội Bài có tổng mức đầu tư khoảng 2.032 tỷ đồng. Giai đoạn 1, sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2020 (gồm 3.000m đường CHC 1B và các đường lăn nối, hệ thống thoát nước đồng bộ...) đảm bảo khai thác được máy bay Code E. Giai đoạn 2, hoàn thành các hạng mục còn lại của đường CHC 1B và hoàn thiện đường CHC 1A, các đường lăn nối và toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2021.

Dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất được phê duyệt với mục tiêu cải tạo, nâng cấp đường CHC 25R/07L và vuốt dốc vào các đường lăn nối W6, W4, NS1, E1; xây dựng các đường lăn thoát nhanh (W2A, W4A), đường lăn song song (W11A); xây dựng, cải tạo, nâng cấp các đoạn đường lăn nối (N1, W3, W5, W5A, W7, W9); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu… tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.015,3 tỷ đồng. Bước 1 của dự án thực hiện từ ngày 21/6/2020 - 31/12/2020; Bước 2 từ ngày 30/10/2020 - 31/12/2021.

Ảnh và bài: Báo Giao thông

Video - phóng sự