Lính thợ ACC trên công trường Sân bay Điện Biên

      Những ngày cuối tháng 9, thời tiết ở Điên Biên dịu mát, nắng thu rót vàng như mật trải khắp núi rừng Tây Bắc. Trên công trường Sân bay Điện Biên rộn rã tiếng máy thi công suốt ngày đêm. Vượt qua muôn vàn khó khăn, hiện nay các nhà thầu, trong đó có Tổng công ty ACC đang chạy đua với thời gian, quyết tâm hoàn thành công trình đúng tiến độ, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lính thợ ACC trên công trường Sân bay Điện Biên
Công ty ACC24 thi công đường cất hạ cánh Sân bay Điện Biên.

Niềm vinh dự lớn

    “Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên” là công trình giao thông cấp I, có tổng mức đầu tư hơn 1.547 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Dự án gồm: Xây dựng đường cất hạ cánh (CHC) 35-17 kích thước 2400mx45m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng (BTXM) bảo đảm khai thác máy bay Airbus A320, A321 và tương đương; lề vật liệu rộng mỗi bên 7,5m, dải hãm phanh 2 đầu đường CHC kích thước 60x100m, kết cấu bê tông nhựa (BTN); xây dựng đường lăn nối cách đầu 17, khoảng cách 500m, kết cấu BTXM; xây dựng hệ thống đèn tiếp cận CAT I... Nhà ga hành khách được thiết kế gồm 2 tầng. Sau khi Dự án hoàn thành sẽ nâng công suất khai thác từ 300 nghìn khách/năm lên 500 nghìn khách/năm.

Liên danh Nhà thầu Tổng công ty ACC - Công ty Vinadic - Tổng công ty 319 thực hiện Gói thầu số 19 “Thi công xây dựng các hạng mục công trình đường CHC, đường lăn, sân đỗ”. Tổng giá trị gói thầu là 775,8 tỷ đồng, trong đó giá trị do Tổng công ty ACC thực hiện là 531 tỷ đồng, bao gồm toàn bộ phần nền, lề vật liệu BTN, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và dải bảo hiểm, dải san gạt; thi công cọc đất gia cố xi măng với tổng chiều dài là 80.000m; thi công BTXM mặt đường CHC, đường lăn, sân đỗ với tổng khối lượng là 46.152m3. Gói thầu được khởi công ngày 15-9-2022 và sẽ hoàn thành vào ngày 17-12-2023. Tổng công ty ACC giao cho Công ty ACC24 trực tiếp tham gia thi công gói thầu này.

Việc được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tin tưởng lựa chọn, giao nhiệm vụ trực tiếp thi công công trình trọng điểm của Tây Bắc này là một vinh dự lớn của những người lính thợ ACC. Đại tá Nguyễn Mai Đô - Chủ tịch Tổng công ty ACC khẳng định: “Với nguồn lực tài chính lành mạnh; năng lực sẵn có về lực lượng, trang thiết bị kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt với dây chuyền công nghệ thi công BTXM tiên tiến, hiện đại và đồng bộ; cùng với đội ngũ cán bộ chuyên ngành sân bay có kinh nghiệm trong thi công công trình hàng không; Tổng công ty khẳng định, sẽ hoàn thành Dự án theo đúng yêu cầu của chủ đầu tư với chất lượng, tiến độ, an toàn”.

Tinh thần lớn, trách nhiệm cao

    Do Sân bay Điện Biên tạm đóng cửa để thực hiện các hạng mục của Dự án nên con đường độc đạo từ Hà Nội lên Điện Biên là Quốc lộ 6. Quãng đường từ Sơn La lên Điện Biên khoảng hơn 200 cây số đường quanh co, khúc khủyu, nhiều đoạn đèo cua tay áo, độ dốc cao. Trên đường lên Điện Biên, chúng tôi bắt gặp nhiều đoàn xe tải hạng nặng chở vật liệu lên xây dựng Sân bay Điện Biên, gặp những đoạn đèo dốc, những chiếc xe tải ì ạch nhích từng đoạn một, chỉ riêng vượt qua 32 km đèo Pha Đin các tài xế phải mất hơn 2-3 giờ đồng hồ di chuyển. Đại tá Nguyễn Mai Đô - Chủ tịch Tổng công ty ACC cho biết: “Riêng bảo đảm vật liệu thi công cho gói thầu do Tổng công ty thực hiện, mỗi ngày có khoảng 20 chiếc xe tải loại 20 tấn chở xi măng từ dưới xuôi lên, trong khi đi xe khách từ Hà Nội lên Điện Biên khoảng 10 giờ đồng hồ thì những chiếc xe tải này phải mất từ 1-2 ngày mới đưa được vật liệu lên đến Điện Biên”.

   Toàn khu vực Sân bay Điện Biên là một đại công trường với hàng chục nhà thầu lớn nhỏ đang thi công. Máy móc, xe cộ chạy ì ầm suốt ngày đêm. Để hoàn thành tiến độ gói thầu, Tổng công ty ACC đã huy động lượng xe máy, thiết bị gấp 1,5-2 lần (tùy từng thời điểm) so với số lượng tham gia dự thầu. Trong đó gồm 85 đầu xe máy thiết bị thường trực trên công trường và một số thiết bị của các đối tác tham gia thi công cùng đơn vị; trong số đó có một số thiết bị thi công tiên tiến được nhập từ Đức như: Máy trải BTXM SP64, máy cắt rãnh kháng trượt… Về nhân sự, tại công trường luôn thường trực 20 kỹ sư, 50 nhân viên chuyên môn kỹ thuật và hơn 400 công nhân chia thành nhiều ca kíp thi công 24/24 giờ.

   Thiếu tá Đặng Văn Trung - Chỉ huy trưởng công trường cho biết: “Thời gian đầu triển khai thực hiện gói thầu, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, đặc biệt là nguồn đất đắp, cát đắp, cát đổ bê tông… Trước tình hình đó, tỉnh Điện Biên đã tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, cấp phép khai thác bổ sung cho các mỏ mới, đến hết tháng 4-2023 cơ bản đã đủ năng lực cung cấp cho Dự án. Bên cạnh đó, địa bàn thi công là tỉnh biên giới, công tác bảo đảm một số chủng loại vật tư gặp rất nhiều khó khăn, phải chuyển từ các tỉnh dưới xuôi lên mất từ 1-2 ngày đi đường. Do vậy, để hoàn thành tiến độ thi công thì yêu cầu công tác phối hợp của đơn vị phải nhịp nhàng để không bị động nguồn vật tư”.

   Theo tiến độ thực hiện Dự án là ngày 17-12-2023 hoàn thành, nhưng theo kế hoạch bay hiệu chuẩn của chủ đầu tư là ngày 5-11-2023, do vậy Công ty ACC24 đang tích cực đẩy nhanh công tác thi công đường CHC để bảo đảm đúng tiến độ bay hiệu chuẩn. Thiếu tá Đặng Văn Trung chia sẻ thêm: “Đến thời điểm hiện tại, Công ty đã hoàn thành toàn bộ phần cọc đất gia cố xi măng, toàn bộ khối lượng BTXM M350/45 đường CHC; đang tích cực triển khai lề vật liệu để phục vụ công tác bay hiệu chuẩn, dự kiến hoàn thành trước 31-10-2023. Đối với đường lăn, sân đỗ, đã hoàn thành toàn bộ phần nền, móng, hoàn thành 80% khối lượng BTXM M150/25, bắt đầu triển khai công tác BTXM M350/45 từ ngày 28-9-2023, hoàn thành 80% thi công đào nền, đắp đất tận dụng dải san gạt, dải bảo hiểm... Tổng sản lượng hiện tại đạt 320/531 tỷ đồng.

   Dự án hoàn thành sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác, nâng công suất, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển bằng đường hàng không của người dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển ngành hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mặt khác, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, nhất là phát huy giá trị của quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ.

Bài, ảnh: NGUYỄN THÀNH TRUNG

Video - phóng sự